Hủ tiếu gõ – món ăn bình dân gắn liền với Sài Gòn
Sài Gòn, trong bất cứ con hẻm nào cũng có hủ tiếu gõ vào đêm. Món dành cho những người bình dân, những người lao động nhưng nó lại đi vào tâm trí của tất cả mọi người khi biết đến. Ngay cả người không ăn bao giờ.
Tên gọi của món ăn bắt nguồn từ tiếng gõ lóc cóc vào mỗi chiều tối của những người bán. Nếu mới vào Sài Gòn, bạn sẽ ngạc nhiên trước âm thanh lóc cóc vang lên từ hai thanh tre hoặc kim loại. Đó đích thị là tiếng rao mời của hủ tiếu gõ.
Hủ tiếu gõ không bán buổi sáng mà thường từ khoảng 14-15h đến 0h hoặc 1h ngày hôm sau. Nghề bán hủ tiếu gõ tuy không quá nặng nhọc nhưng cũng không nhẹ nhàng, người bán phải đi chợ từ sớm, chuẩn bị mọi thứ cho việc bán buổi chiều, rồi thức đêm bởi đây là món ăn khuya.
Chủ nhân của những chiếc xe hủ tiếu gõ ít khi là người miền Nam, mà thường từ miền Trung vào Nam lập nghiệp. Nghệ thuật của món ăn này được thể hiện qua việc thái thịt, từng lát thịt được thái mỏng như tờ giấy. Nhưng, ăn hủ tiếu không phải vì mê ăn thịt, người ta thích vì sự thuận tiện, luôn được phục vụ tận nơi với bát hủ tiếu đầy ắp còn bốc khói nghi ngút. Những người bán hủ tiếu gõ thường dùng một xe đẩy chứa hết tất cả mọi thứ từ nồi nước lèo, đến các nguyên liệu khác… đỗ tại vỉa hè trống, thường gần khu lao động. Khách hàng của hủ tiếu gõ là những người đi chơi, đi làm về khuya lót dạ khi các hàng quán đã đóng cửa.
Những người đã từng ăn, thì sẽ nhớ, miếng thịt heo được cắt nghệ thuật tới mức “mỏng manh, mảnh mai”, một ít giá, vài lá hẹ, một ít hủ tiếu, một ít rau xà lách với vị thơm thơm, bùi bùi, ngây ngấy của tóp mỡ…
Dù không phải món ăn cầu ký, chỗ ngồi thì không sạch đẹp nhưng hủ tiếu gõ đã là một phần của cuộc sống gắn bó với nhiều người dân Sài Gòn.