Lẩu Sài Gòn đậm đà hương vị miền sông nước
Lẩu cua đồng, lẩu gà hấp hèm, lẩu cá đuối… là những món lẩu với hương vị thanh mát thích hợp trong những ngày hè nóng bức.
1. Lẩu cua đồng
Lẩu cua đồng là một món ăn dân dã có ở nhiều vùng miền với nhiều hương vị khác nhau. Món ăn trông đơn giản nhưng khâu chế biến lại cầu kỳ, nhất là phần riêu cua. Muốn riêu cua ngon, phải chọn những được những con cua chắc thân, còn sống. Có như thế, riêu cua mới thơm ngon và kết thành mảng. Cua rửa sạch, bóc vỏ lấy gạch cua để riêng rồi giã nhuyễn. Sau đó đem lọc kỹ với nước, đun sôi cho thịt cua nổi lên, vớt ra bát, phần nước để làm nước dùng.
Khi ăn, đun sôi nồi nước dùng, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi cho riêu cua nổi lên trên mặt. Tiếp đó, cho thêm các loại hải sản như tôm, mực, chả cá làm tăng thêm vị ngọt của nước dùng. Ăn kèm là bún tươi và các loại rau như: cải xanh, bông bí, rau nhút, kèo nèo,… tất cả hòa quyện lại tạo nên sự thanh mát và cho món ăn không bị ngấy.
2. Lẩu cá đuối
So với nhiều món lẩu khác, lẩu cá đuối không có gì đặc biệt nhưng lại hấp dẫn bởi sự lạ miệng. Nồi lẩu nóng hổi, vị chua của măng chua, vị ngọt và hơi dai của cá khiến cho hương vị món lẩu bình dân này trở nên ngon miệng hơn rất nhiều.
Chế biến món ăn này đơn giản và không mất nhiều thời gian. Cá đuối sau khi mua về được cắt bỏ mang, mổ dọc dưới miệng cá, bỏ hết phần ruột bên trong. Rửa cá lại bằng nước sạch, sau đó rửa qua với giấm hoặc rượu rửa sạch để tránh mùi tanh đồng thời tăng thêm hương vị cho cá.
Thái cá thành từng miếng nhỏ khoảng hai ngón tay rồi xếp vào đĩa, tẩm ướp gia vị cho vừa miệng. Phần sụn cá đuối rất mềm nên có thể cắt nhỏ cho vào nồi ninh để ngọt nước. Ngoài phần thịt cá, lẩu cá đuối còn hấp dẫn người ăn bởi vị chua nhẹ của nước dùng được nấu từ măng chua cùng hương thơm của rau ngổ, ngò gai… Ăn kèm lẩu là các loại rau như rau muống, rau chuối, bún và không thể thiếu chén nước mắm với vài trái ớt tươi thái lát.
3. Lẩu gà hấp hèm
Điều làm nên sự đặc biệt, hấp dẫn cho món ăn này chính là vị chua thanh của nước lẩu được nấu từ hèm. Hèm là chất thải ra sau khi người dân nấu rượu, thường thì người ta tận dụng để làm thức ăn cho gia súc. Nhưng, từ chất thải tưởng chừng bỏ đi đấy, người dân ở đây dùng làm nguyên liệu chính để chế biến nên món lẩu gà hấp hèm vừa thơm ngon vừa lạ miệng.
Lẩu gà hấp hèm là món ăn quen thuộc của các quận ngoại thành TP. HCM. Ảnh: K.H.
Trước khi nấu lẩu, lấy một lượng hèm vừa phải, vắt lấy nước, bỏ bã. Nước hèm để lắng, lọc lại một lần nữa để bỏ đi phần lợn cợn của bã hèm còn sót lại. Cho nước hèm vào nồi và đun sôi, nêm đường và các loại gia vị vừa ăn. Gà ta sau khi làm sạch, chặt thành từng lát vừa ăn, cho vào nồi, để lửa vừa cho đến khi thịt chín là được.
Rau ăn kèm chỉ có cải bẹ xanh, cải thảo và hành lá thái khúc. Thịt gà được nấu trong nước hèm nên chín mềm rất ngon, bên cạnh đó là vị ngọt của rau cải, vị chua thanh của nước lẩu rất vừa ăn và ngon miệng.
4. Lẩu cá thác lác khổ qua
Món ăn có đầy đủ các nguyên liệu như cá thác lác, xương lợn, tôm khô, khổ qua, bún tươi, ớt… Thành phần làm nên sự hấp dẫn của món lẩu này là cá thác lác và nước dùng. Chả cá thác lác muốn dai thì thịt cá phải tươi ngon, trộn thịt cá với ít muối, hành ngò, hạt nêm, tiêu…quết thật nhuyễn và vo viên tròn. Khổ qua rửa sạch, cắt đôi, bổ ruột, thái mỏng. Rau thơm rửa sạch, nhặt lá sâu, hành ngò xắt nhuyễn. Ớt xắt lát mỏng.
Đơn giản với cá thác lác và khổ qua nhưng đây là món lẩu có tác dụng giải nhiệt rất tốt.
Nước dùng được lấy từ nước hầm xương, đun sôi với ít tôm khô cho có thêm vị ngọt, nêm gia vị cho vừa ăn. Đặt nồi lẩu lên bếp, cho sôi, sau đó cho chả cá vào, khi cá chín, cho tiếp khổ qua. Cá thác lác ngon dai, có nhiều đạm. Khổ qua có tính giải nhiệt, mát. Vì vậy, nếu kết hợp cả hai với nhau sẽ tạo nên một món lẩu vừa ngon miệng, vừa mang tính lành rất có lợi cho sức khỏe.