Bưu điện thành phố kiến trúc độc đáo say lòng người
Bưu điện trung tâm thành phố, nơi lưu giữ nhiều nét đẹp
Bưu điện Trung tâm TP Hồ Chí Minh hiện là một điểm đến tham quan không thể thiếu của du khách nước ngoài khi đến thành phố này. Họ đến để chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc cổ, có hơn 120 năm tuổi.
Ðể thiết lập hệ thống thông tin liên lạc ngay sau khi chiếm thành Gia Ðịnh, ngày 11-11-1860, Pháp đã cho khởi công xây dựng Nhà dây thép Sài Gòn, ngay vị trí trung tâm thành phố.
Kiến trúc sư thiết kế tòa nhà này là Guy-xtáp Ép-phen, một kiến trúc sư danh tiếng đã thiết kế Tháp Eiffel, tượng Nữ thần Tự do, cầu Long Biên, cầu Tràng Tiền… Ông Nguyễn Văn Trung đã trở thành người Việt Nam đầu tiên là Giám đốc Sở dây thép Sài Gòn. Ngày 13-1-1863, Nhà dây thép Sài Gòn chính thức khánh thành, đồng thời phát hành “con cò” (người Sài Gòn xưa gọi con tem là con cò), đây là con tem đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. “Con cò” Ðông Dương in hình con Phượng Hoàng, biểu tượng của Vua Na-pô-lê-ông Ðệ Tam, có giá từ 0,1 đến 4 phờ-răng. Năm 1864, những lá thư đầu tiên có dán “con cò” đã được gửi từ Sài Gòn ra thế giới. Vào ngày 22-3-1888, đường dây thép (điện tín) dài 2.000 km, xuyên Bắc Nam, nối Sài Gòn – Quy Nhơn – Ðà Nẵng – Huế – Vinh – Hà Nội đã được thông suốt. Ðến năm 1889, thêm một đường dây điện báo nối Sài Gòn – Băng Cốc (Thái-lan), chuyên phục vụ giới thương gia buôn bán, khai thác thuộc địa. Chưa khai thác được bao lâu, bưu điện đã bị quá tải và năm 1886, Bưu điện Sài Gòn được cho khởi công xây dựng lại theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Vin-lơ-đi-ơ (người Pháp). Năm 1891, trụ sở mới (như ngày nay ta thấy) chính thức khánh thành. Bắt đầu từ ngày 1-7-1894, những máy điện thoại đầu tiên của người dân Sài Gòn xuất hiện, liên lạc qua tổng đài Nhà dây thép, và hệ thống thông tin liên lạc này được khai thác, nâng cấp liên tục cho đến tận ngày nay.
Vẻ đẹp lộng lẫy của tòa nhà đã cuốn hút mọi người ngay sau khi khánh thành, gây ấn tượng mạnh với công chúng và là niềm tự hào của người dân Sài Gòn. Hệ thống mái vòm bên trong bưu điện có phong cách kiến trúc và trang trí rất đặc sắc. Mái vòm lớn được đỡ bởi bốn trụ sắt, vòm cung dài được chịu lực bởi hai hàng trụ sắt hai bên, các điểm giao tiếp giữa trụ và các kèo sắt được chạm khắc những họa tiết rất đẹp. Trên vòm tiền sảnh còn có hai bản đồ nói về lịch sử hình thành hệ thống viễn thông Sài Gòn. Những năm ở thập niên 80 của thế kỷ trước, Bưu điện TT còn có một nhân chứng gắn bó với biết bao gia đình và con người TP Hồ Chí Minh. Ðó là “người viết thư thuê xuyên thế kỷ”, làm việc tại Bưu điện TT TP Hồ Chí Minh. Ông tên là Dương Văn Ngộ, sinh năm 1930. Năm 17 tuổi, ông là học sinh Trường Pétrus Ký và là nhân viên tập sự của Bưu điện Sài Gòn. Năm 22 tuổi, ông là nhân viên văn thư chính thức với chức danh “Tư vấn thủ tục gửi thư”. Với vốn tiếng Pháp phong phú, năm 1965 ông học thêm tiếng Anh và làm việc ở đây cho đến ngày về hưu. Sau khi về hưu, bưu điện ưu ái dành cho ông một góc nhỏ với cái bàn trên đặt vài ba cuốn từ điển và cái bảng đề chữ “Nơi chỉ dẫn và viết giúp”. Hồi ấy, không có máy tính, máy fax, in-tơ-nét, điện thoại gọi đi quốc tế cũng hạn chế… Người dân gửi thư đi nước ngoài phải viết thư tay. Ông chăm chú ngồi nghe từng người cần giúp trải cõi lòng, rồi chấp bút viết giùm thư cho họ với tiền công “khá mềm”, cả tiếng Việt lẫn tiếng Tây. Ông cần mẫn đi về hằng ngày, không nghỉ bao giờ, dù là lễ, Tết hay chủ nhật. Suốt bao nhiêu năm chấp bút cho các “nỗi niềm, tâm tư tình cảm”, hình ảnh ông già nhỏ nhắn, hiền từ, ngồi cặm cụi nắn nót từng con chữ đã đi vào lòng người Sài Gòn. Tính sơ sơ, ông đã tiếp hơn 700 nghìn khách hàng và đã viết hơn 31 nghìn lá thư, gửi đi khắp bốn phương trời.
Bưu điện TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 170 bưu cục trên địa bàn. Năm 2002, Bưu điện TP vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.