5 món bún cá ngon khó cưỡng tại Sài Gòn
Bún cá rô đồng thanh mát, bún cá ngừ đậm đà, bún num-pohook đặc sắc… là những món bún cá được người Sài Gòn ưa thích.
Thanh mát bún cá rô đồng
Tô bún cá rô đồng bắt mắt với những cọng bún trắng phau, cá chiên vàng ruộm, cá xào vàng ươm, phần trứng cá tươm mỡ ẩn hiện bên màu xanh mướt của rau, thơm của tiêu và ngọt dịu của nước dùng.
Cách chế biến món bún cá rô đồng khá kỳ công. Đầu tiên, người nấu phải chọn những con cá rô đồng có kích thước vừa phải, làm sạch, lóc riêng xương để nấu nước dùng. Riêng thịt cá thì được chia làm 2 phần, một phần xào thơm với nghệ tươi, phần còn lại nhúng bột, chiên chín khoảng 70%, rồi chỉ chiên chín khi khách gọi món. Phần trứng cá cũng được xử lý kỹ và xào chín vàng với gia vị. Ngoài cá rô và nước dùng, các loại rau xanh, nhất là bạc hà, cần nước là thành phần tăng thêm hương vị cho món ăn.
Địa chỉ: Quán bún cá rô đồng, 76 Hồng Hà, P. 2, Q. Tân Bình; Quán bún cá rô đồng Hải Tứ Quý, 263 Võ Văn Tần, Q. 3.
Tươi ngọt bún chả cá
Bún chả cá Đà Nẵng với nước dùng màu vàng đậm. Bún chả cá là món ăn nổi tiếng của người miền Trung với nhiều thương hiệu như: bún chả cá Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang… Món ăn này có tạo hình khá đơn giản với những cọng bún nhỏ, nước dùng trong, cùng hai loại chả cá chiên và hấp dọn kèm đĩa rau xanh mướt.
Đơn giản như thế, nhưng để “hút” được thực khách, các thành phần của món ăn đều phải được chế biến cầu kỳ và tinh tế. Cụ thể chả phải được làm từ những con cá thu có kích thước vừa phải, tươi sống. Nước dùng nấu hoàn toàn bằng xương cá . Địa chỉ: Bún chả cá Lệ ở số 2-4 đường Đồng Nai, Q.10; Bún chả cá Nha Trang, 49 Đinh Tiên Hoàng, Q. 1; Bún chả cá Đà Nẵng, 321 Điện Biên Phủ, Q. 3; Bún chả cá Ở Quẫy, 423 Nguyễn Tri Phương, Q.10.
Đậm đà bún cá ngừ
Bún cá ngừ thuộc họ món kho hơn là món nước. Cách chế biến món bún này khá đơn giản. Cá ngừ tươi, mua về, làm sạch, cắt lát chừng 1,5 cm xếp vào chảo sâu lòng, ướp mắm muối, dầu phộng, bột nêm, đường, ít bột nghệ, ớt bột… để khoảng nửa tiếng cho thấm đều gia vị rồi mới bắc lên bếp nấu nhỏ lửa, đến khi miếng cá cứng mình, thì cho thêm cà chua vào.
Dọn kèm món bún này là một đĩa rau gồm xà lách, bắp chuối thái mỏng, vài cọng húng quế, giá sống, đĩa bún tươi, chén ớt xanh…Cũng có khi người bán cho hẳn bún, cá ngừ và nước dùng vào một tô.
Không thuộc món nóng khiến người ta phải từ tốn khi thưởng thức, song bún cá ngừ cũng đủ làm cho thực khách phải từ tốn để cảm nhận trọn vẹn cái ngon cùng vị cay khó cưỡng của món ăn.
Địa chỉ: Quán Khoái, 3A Lê Quý Đôn, P. 6, Q. 3; Quán Đo Đo, 10/14 Lương Hữu Khánh, P. Phạm Ngũ Lão, Q. 1.
Thơm mềm bún cá miền Tây
Bún cá miền Tây nổi tiếng với các thương hiệu như bún cá Kiên Giang, bún cá Châu Đốc (An Giang)… Điểm đặc biệt là các món bún này đều có chung hai thành phần chính là cá lóc và ngãi bún.
Cách chế biến món bún này như sau. Cá lóc làm sạch, cắt sao cho bộ lòng cá vẫn dính với đầu cá. Phần thân cá được luộc và hấp chín sau đó được lột da và lóc hết xương. Phần thịt cá này có quán để nguyên như vậy khi bán cho khách, có quán cầu kỳ hơn, khi đem xào sơ với nghệ để có màu vàng bắt mắt. Riêng nước dùng, ngoài xương cá lóc, còn được gia giảm thêm ít xương ống, mực khô nướng chín. Món bún này có một số loại rau “không đụng hàng” với các loại bún cá khác là thèo nèo, bông súng và bông so đũa…
Địa chỉ: 185A Nguyễn Xí, P. 26, Q. Bình Thạnh; 51 Lê Thị Hồng Gấm, P. Nguyễn Thái Bình, Q. 1,
Nồng nàn bún num pohook
Num pohook là tên gọi của một loại bún cá nổi tiếng của người dân xứ chùa tháp. Như tên gọi, thành phần cơ bản và tạo nên hương vị của món ăn chính là món mắm pohook, món mắm đặc sản của đất nước này.
Về cơ bản, mắm pohook khá nặng mùi thế nhưng qua bàn tay chế biến của đầu bếp, hương vị của món mắm ấy nói riêng và món bún num pohook nói chung trở nên quyến rũ đến kỳ lạ. Ngoài loại mắm này, sự kết hợp của ngải bún, sả và trái chúc… khiến nước lèo của món bún có vị ngọt đậm đà cùng vị chua thanh thanh rất đặc trưng. Địa chỉ: quán Tư Xệ, hẻm 382 Lê Hồng Phong, Q, 10; Các sạp trong chợ Lê Hồng Phong, Q. 10.