Thưởng thức 2 món ăn hàng đầu Việt Nam
Món gỏi cuốn có nguồn gốc từ miền Nam.
Gỏi cuốn, có tên tiếng Anh là summer roll, có nguồn gốc từ miền Nam nhưng đã trở nên phổ biến không chỉ trên khắp Việt Nam, mà còn lan tỏa ra thế giới. Cắn một miếng gỏi cuốn, cảm nhận vị dai của bánh tráng, vị béo đậm đà của thịt ba rọi trộn lẫn vị ngọt của tôm luộc, thêm một chút mặn mà của nước chấm, cái mát lạnh, cay nồng nơi đầu lưỡi của rau sống tạo thành một bản hợp tấu làm dậy lên các cung bậc vị giác. Đó là lời nhận xét ưu ái của không ít các bài báo dành cho gỏi cuốn Việt Nam.
Gỏi cuốn, phở Việt lọt Top 50 món ngon nhất thế giới.
Các nguyên liệu làm gỏi cuốn luôn tươi ngon, bắt mắt.
Từ người sang trọng đến lớp bình dân, từ Ta đến Tây, đã ăn một lần thì nhớ mãi. Món gỏi cuốn khá phổ biến, đi đâu cũng gặp. Nó xuất hiện ở khắp các quán hàng rong nằm rải rác trong những con hẻm nhỏ, hay những tiệm ăn uống ven đường và cả trong nhà hàng, khách sạn.
Gỏi cuốn được ví như món ăn nhanh của người Việt.
Trong ẩm thực Việt, chẳng món ăn nào “dễ chịu” như gỏi cuốn. Dùng làm thức ăn nhẹ cũng được, mà ăn no căng bụng cũng không ngấy. Ăn gỏi cuốn trong quán, hay ngồi xổm bên gánh hàng rong, thậm chí vừa đi đường vừa ăn cũng thấy ngon. Chả thế mà thỉnh thoảng lại bắt gặp một vài anh Tây ba lô trên đường phố, tay cầm gỏi cuốn, tay bưng chén nước chấm, miệng nhai ngồm ngoàm, mắt vẫn lanh lẹ nhìn xe cộ. Không chỉ vậy, gỏi cuốn đã trở thành món ăn không thể thiếu trong thực đơn của các nhà hàng Việt tại trời Tây. Thậm chí người nước ngoài còn ví gỏi cuốn là fastfood của người Việt, cũng giống như các thương hiệu nổi tiếng KFC hay McDonald nhưng về độ thanh đạm, tươi ngon và tốt cho sức khỏe thì không có loại đồ ăn nhanh nào sánh bằng.
Phở là món ăn rất nổi tiếng ở nước ngoài.
Khi nhắc đến văn hóa ẩm thực Việt Nam không thể không nói tới phở. Phở đã trở thành biểu tượng của đất Việt cũng như thành danh ở nước ngoài. Bất cứ nơi nào trên thế giới có người Việt sinh sống là nơi đó có món ăn đặc trưng này. Từ Tây sang Đông, phở Việt đã trở nên quen thuộc và được nhiều người ưa chuộng. Chả thế mà, phở không lần nào vắng mặt trong các cuộc bình chọn cũng như giới thiệu nhà hàng Việt tại nước ngoài.
Nhiều thực khách Tây ‘mê’ món phở Việt Nam.
Thành phần chính của phở là bánh phở và nước dùng cùng với thịt bò hoặc gà cắt lát mỏng kèm theo các gia vị như: tương, tiêu, chanh, nước mắm, ớt… Tùy vùng miền mà phở có phương pháp chế biến và hương vị khác nhau ít nhiều. Trên bình diện quốc tế, đã có rất nhiều nhà hàng chuyên về phở của người Việt được mở ra ở Bắc Mỹ, châu Âu và Australia. Riêng tại Mỹ, thống kê không chính thức cho biết doanh thu các cửa hàng phở Việt Nam lên tới 500 triệu USD một năm.
Phở với người Việt là quốc hồn, quốc tuý, còn người nước ngoài là thức ăn nhanh, giản tiện, lại ngon, ăn cả buổi sáng, trưa, chiều và tối đều được, nên rất cuốn hút. Tính đến nay, hầu hết các báo có tên tuổi của Mỹ như New York Times, Los Angeles Times, Boston Globe… đều có bài viết về phở, ca ngợi phở như là “thương hiệu văn hóa ẩm thực của người Việt tại Mỹ”.